Chương 8: Núi dã nhân

Cập nhật 3 năm trước
Trước Sau



Sau khi nghe xong mấy lời của Hạ Cần, Tư Mã Khôi và La Đại Hải đều cảm thấy vô cùng kỳ quái, lờ mờ nhận thấy sự việc này không phải chuyện tầm thường, nhưng bọn họ thực lòng không thể nghĩ ra một cô bé mới mười sáu tuổi như cô nàng thì có nổi tin tức gì đáng để hai người họ phải kinh ngạc cơ chứ. Thế là hai cậu liên tục hỏi đồn cho đến khi cô nàng chịu nói ra mới thôi.



Hạ Cần cẩn thận nhìn quanh bốn phía đều không có người mới ngập ngừng tiết lộ: “Anh họ tớ… từ vùng nông thôn… vừa mới trốn về nhà”. Tư Mã Khôi và La Đại Hải gần như không dám tin những lời cô bạn vừa thốt ra là sự thật, còn cho rằng tai mình có vấn đề nên nghe nhầm.



Thì ra anh họ của Hạ Cần tên là Hạ Thiết Đông, thân hình cao tới một mét tám mươi sáu, trên sống mũi luôn gắn một cặp kính cận nhưng nhìn anh không hề yếu ớt kiểu thư sinh trói gà không chặt mà ngược lại trông rất trí thức, uyên bác. Anh ấy thích đánh bóng rổ, khi cách mạng văn hóa bắt đầu, anh ấy đang học đại học ở Bắc Kinh, từng đọc rất nhiều tiểu thuyết phương tây, tư tưởng khá cấp tiến, tài ăn nói hùng biện rất xuất sắc, yêu thích tham gia mọi hoạt động thể thao và là một trong những thành viên cốt cán tham gia phong trào Hồng Vệ binh sớm nhất.



Vì Hạ Thiết Đông là người có tấm lòng hào phóng quảng đại, tính tình trung thực, trọng chữ tín, dám làm dám chịu, thêm vào đó văn võ song toàn, lúc nào cũng hừng hực sức sống, tầm hiểu biết lại rất rộng. Bất kể chuyện quốc gia đại sự hay tình hình thế giới, chẳng lĩnh vực nào anh ấy không thông tỏ. Hơn thế nữa, anh ấy lại rất coi trọng nghĩa khí, đọc làu làu các tác phẩm của Karl Marks, Lê nin, Mao Trạch Đông cùng các tác giả nổi tiếng trong và ngoài nước khác, ví dụ như thơ của Puskin, bất kể nói đến đoạn nào anh ấy đều có thể thuộc lòng như cháo chảy. Không chỉ vậy, anh ấy còn sở hữu khí chất đặc biệt của kẻ lãnh đạo được đám đông, bởi thế xung quanh luôn có rất nhiều anh em muốn đi theo.



Năm Tư Mã Khôi và La Đại Hải mười ba tuổi, hai cậu từng theo anh Thiết Đông lúc đó mới từ Hồ Nam trở về tham gia phong trào Hồng Vệ binh do sinh viên tổ chức, từng đi con đường trường chinh, lại lên núi Cảnh Cương. Trong suốt thời gian hơn nửa năm đó, họ đã được mở rộng tầm mắt, trưởng thành lên và trải nghiệm thêm rất nhiều điều, hai cậu thường nghe vị đại ca lớn tuổi này giảng giải không ít về “Chân lý cách mạng”. Khi đó, Hạ Thiết Đông nói với bọn họ: “Chỉ kẻ nào dám đương đầu với mạo hiểm và vất vả thì kẻ đó mới mong thành đại sự”. Hai người Tư Mã Khôi và La Đại Hải chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng của Hạ Thiết Đông đến nỗi bất kể những gì anh nói họ đều tin là điều tất nhiên. Tự đáy lòng, hai đứa trẻ sùng bái anh chẳng khác nào thần tượng.




Sau này, chủ tịch Chu Ân Lai ra chỉ thị mới, phong trào Hồng vệ binh cuối cùng cũng được hạ màn trên phạm vi toàn quốc, Hạ Thiết Đông trở về Bắc Kinh, còn Tư Mã Khôi và La Đại Hải lại phiêu dạt nơi đầu đường xó chợ trên dải dất Trường Sa, hai bên kể từ đó đứt liên lạc với nhau. Chỉ nghe phong thanh Hạ Thiết Đông vì nguyên nhân nào đã đó đã cuốn vào một sự vụ chính trị rất nghiêm trọng. Tuy rằng chưa đến nỗi bị kết án nhưng tiền đồ sáng lạn của anh ấy coi như hoàn toàn tiêu tan thành mây khói. Năm ngoái anh bị đẩy xuống một vùng quê nghèo khó thuộc tỉnh Thiểm Bắc.



Nhưng hai ngày trước, Hạ Thiết Đông cùng hai thanh niên trí thức khác, một nam một nữ, tất cả ba người bọn họ chạy trốn về lại quê nhà. Anh không dám lộ mặt ra phố nên đành nhờ Hạ Cần giúp mình tìm lại những bạn bè bằng hữu khi xưa rồi triệu tập họ lại, nói rằng anh muốn gặp mặt mọi người, sau đó dự định sẽ vượt biên giới rời khỏi Trung Quốc, cả đời này không chừng chẳng còn cơ hội sống sót mà quay trở về cố hương.



Hạ Cần biết mối giao tình giữa Hạ Thiết Đông và hội Tư Mã Khôi rất tốt, vì thế cô nàng lo lắng với hạng người có tính cách vô thiên vô pháp như cậu không những chẳng thể khuyên nhủ anh Thiết Đông đi theo lẽ phải mà ngược lại còn đâm đầu đi theo anh ấy trốn ra nước ngoài cũng nên, bởi vậy cô nàng cứ mãi do dự không quyết, cuối cùng chẳng thể giấu được hơn mới đành thổ lộ ra mọi chuyện.



Tư Mã Khôi nghe xong câu chuyện liền nói với Hạ Cần: “Tiểu Hạ! cậu đa nghi quá đấy thôi, anh họ cậu là người như thế nào, bọn tớ rõ hơn ai hết, anh ấy tuyệt đối không thể nào trở thành kẻ hàng giặc phản quốc. Cậu cứ nghe tên của anh ấy là biết, Hạ Thiết Đông, Thiết là sắt đá, Đông có nghĩa Mao Trạch Đông, ý nói anh ấy một lòng sắt đá đi theo tư tưởng của Mao Trạch Đông, người như vậy làm sao có thể trốn ra nước ngoài đầu hàng kẻ địch? Cho dù bị cậu chặt đầu, bọn tớ cũng cóc tin”.



Hải ngọng cũng hoàn toàn tán thành quan điểm của Tư Mã Khôi: “Bản lĩnh của Lâm Xung lớn đến cỡ nào, thế mà muốn đến Lương Sơn Thủy Bạc làm anh hùng thảo khấu vẫn phải giết một mạng người cắt đầu về nạp cho Tống Giang làm khế ước sinh tử, chứ anh Thiết Đông bây giờ chẳng qua chỉ là một thanh niên trí thức lên rừng núi, xuống nông thôn, lại chẳng biết gì về chuyện cơ mật quốc gia, cho dù anh ấy có toan tính hàng giặc phản quốc thật đi chăng nữa, có lẽ người ta cũng chẳng buồn cho anh ấy chơi cùng”. Hai người nghĩ vậy liền lập tức quyết định, phải nhanh chóng đến chỗ anh Thiết Đông gặp mặt một chuyến.



Chạng vạng chiều ngày hôm đó, Tư Mã Khôi dẫn theo mấy đồng chí ngày trước cùng tham gia phong trào Hồng Vệ binh cùng với Hạ Thiết Đông vượt sông vào thành phố. Trong một ngôi nhà dân đơn sơ gần nghĩa trang liệt sĩ, bọn họ đã gặp lại anh cả Hạ Thiết Đông – người đã chia ly từ nhiều năm trước.



Hạ Thiết Đông đen hơn trước rất nhiều, người cũng gầy đi trông thấy, vẻ mặt ưu tư nhưng những ngày lao động nặng nhọc dưới ánh nắng chói chang của mùa hè ở vùng nông thôn Thiểm Bắc đã khiến cơ thể của anh trở nên vô cùng rắn rỏi. Nhìn thấy những vị tiểu huynh đệ ngày nào còn lẽo đẽo bám theo chân mình, giờ đã trưởng thành, trong lòng anh cảm thấy rất đỗi vui mừng. Hạ Thiết Đông giơ tay bắt chặt lấy tay của Tư Mã Khôi và La Đại Hải theo phương thức giao thiệp giữa người lớn với nhau. Niềm vui ngày gặp mặt khó lòng cưỡng chế khiến khóe mắt của cả ba người đều hoe hoe đỏ và nhòe nước. Họ nhìn nhau một hồi lâu mà chẳng thốt nên lời.



Tiếp sau đó rất nhiều thanh niên lũ lượt kéo nhau đến, khiến căn phòng vốn dĩ không rộng rãi cho lắm giờ chở nên chật cứng. Bọn họ đều là bạn học hoặc đồng chí tốt của anh Thiết Đông. Mọi người tụ hợp nhau lại chẳng khác nào giờ họp của đội sản xuất nhà máy, họ ngồi quây quần rôm rả hàn huyên đủ thứ chuyện. Tuổi đời của hội mấy người Tư Mã Khôi nhỏ hơn bạn bè của Hạ Thiết Đông một chút nên khi lọt thỏm giữa bọn họ, mấy cậu trông chẳng khác nào lũ đàn em ngồi chầu rìa.



Hạ Thiết Đông nhìn thấy rất nhiều bạn cũ năm xưa, tâm trạng càng trở nên kích động mãnh liệt. Sau một hồi cảm khái, anh liền kể cho mọi người nghe ngọn nguồn câu chuyện. Năm 68, anh bị đẩy đến Diêm Vương câu ở Thiểm Bắc, lúc đầu còn cảm thấy mình xuống nông thôn để rèn luyện bản thân, chấp nhận việc tái giáo dục từ thành phần bần nông, nhưng sau khi đến đó mới dần dần phát hiện ra, nơi đó căn bản không hề hoan nghênh các anh, bởi vì đất đai vùng ấy nghèo nàn, bất luận có tăng cường lực lượng lao động cho đội sản xuất thêm bao nhiêu chăng nữa thì sản lượng thu hoạch một năm vẫn chỉ có ngần đó. Đa số thời gian của mọi người dùng vào việc ngồi trông chờ vào sự ban ân của trời đất. Điều này cách xa với lý tưởng nhân sinh của Thiết Đông, bởi thế chẳng đợi được một năm, anh đã cảm thấy không thể nào tiếp tục kéo dài kiếp sống mòn mỏi ở nơi đây. Hơn nữa, chỉ cần nghĩ cả đời phải bám rễ ở nơi hoang vắng thê lương đến độ chim chẳng buồn ị *** này là anh không thể nào chấp nhận nổi hiện thực tàn khốc.



Tuy rằng Hạ Thiết Đông là người tài hoa xuất chúng nhưng loại người này cũng có một nhược điểm rất rõ rệt, đó là trạng thái chủ nghĩa lý tưởng quá trầm trọng, anh ấy cũng giống như đa số thanh niên đương thời lúc nào cũng tràn đầy khí thế và lòng nhiệt huyết với cách mạng thế giới, đồng thời cảm thấy việc khai hoang trồng trọt trong nước khó lòng giúp họ làm nên trò trống gì, bởi thế liền hạ quyết tâm cùng hai đồng chí chạy trốn về quê nhà. Anh nói với mọi người kế hoạch mai sau của mình: “Nơi này không trọng ông thì khác có chỗ trọng ông, nếu chẳng nơi nào trọng ông, thì ông sẽ đầu quân cho Bát Lộ, thay vì ngồi nhà chơi lông bông, liên lụy đến mẹ cha, chi bằng nhân lúc này hòa mình vào dòng hồng thủy của cách mạng thế giới”.



Đám người La Đại Hại đều mong ngóng được tận tay sờ vào súng thật đạn thật từ lâu, nhưng bọn họ lại chẳng hiểu ý tứ trong lời hiệu triệu của Hạ Thiết Đông, nên đứng bên cạnh hỏi: “Lũ quỷ Nhật Bản ác ôn đã sớm đầu hàng tận năm nào rồi, bây giờ làm gì còn nơi nào tồn tại Bát Lộ quân nữa hả anh?”




Hạ Thiết Đông giải thích: “Tuy rằng về cơ bản chủ nghĩa Phát xít đã bị sụp đổ nhưng dân chúng lao khổ chiếm hai phần ba tổng dân số trên toàn thế giới thì vẫn còn đó, họ vẫn bị hầm da nấu thịt trong cảnh nước sôi lửa bỏng của cuộc sống cũ. Chừng nào chủ nghĩa đế quốc chưa hoàn toàn bị diệt vong, thì nhân dân toàn thế giới chừng đó vẫn không thể hưởng thụ cuộc sống tươi đẹp”.



Đa số mọi người có mặt tại hiện trường nghe mấy lời ấy đều cảm thấy không vững tin cho lắm: “Lão Mỹ người ta là một siêu cường quốc, nếu chỉ dựa vào mấy người lẻ tẻ bọn ta qua đó, sợ rằng chẳng thể giải phóng nổi giới cần lao. Hơn nữa, cứ cho bọn ta có đủ quyết tâm đấu tranh thì cũng chẳng tìm đâu ra thuyền và vũ khí. Đừng nói đến tên lửa, đại bác, máy bay ném bom, ngay cả một con dao thái rau bây giờ bọn ta cũng chẳng kiếm nổi. Chắc anh không định để chúng ta mỗi người dắt lưng vài ba quả lựu đạn rồi trèo lên chiếc thuyền đánh cá vượt Thái Bình Dương đi đánh Mỹ chứ hả?”



Hạ Thiết Đông lại nói: “Siêu cường quốc chẳng qua chỉ là con hổ giấy, chẳng có gì đáng sợ, quân Mỹ tàn bạo nhưng nhu nhược, tất cả chỉ dặt lũ lính con nhà giàu. Hơn nữa không phải toàn bộ người Mỹ đều là dân tư bản, 99% trong số họ cũng là giai cấp lao động bị bóc lột, chúng ta có thể dùng tư tưởng của Mao Trạch Đông võ trang cho anh em công nông binh và giai cấp vô sản ngay trong lòng địch, kích động bọn họ giơ cao ngọn cờ “Tạo phản nội bộ”, chỉ cần làm được công tác trong ứng ngoài hợp, cộng với việc Fidel Castro trong hậu viện của Mỹ cùng chúng ta kẻ trước người sau khép chặt gọng kìm thì chẳng có gì phải lo không đánh đổ được đế quốc Mỹ. Có điều… trước mắt lực lượng của chúng ta quả thật vẫn còn rất yếu mỏng, nếu trực tiếp vượt Thái Bình Dương xâm nhập vào lãnh thổ nước Mỹ thì e không được thực tế cho lắm. Nhưng chẳng phải đế quốc Mỹ đang xâm lược Việt Nam láng giềng đó sao? Tôi thấy chi bằng chúng ta đi chi viện cho nhân dân Việt Nam, đến vùng rừng rậm nhiệt đới tham gia đánh du kích, cùng quân Mỹ tỉ thí một chuyến xem sao, đợi đến ngày thắng lợi khải hoàn, vinh quang thái lai, thì chúng ta có thể khiến người trong nước phải nhìn mình bằng con mắt khác, xem chúng ta rốt cục là nhà cách mạng chân chính hay cách mạng giả dối”.



Những thanh niên này tuy rằng trong lồng ngực tràn đầy nhiệt huyết và hùng tâm tráng chí nhưng lại chẳng thèm biết trời cao bao nhiêu, đất dày mấy tấc. Hạ Thiết Đông vừa dứt lời lập tức có vài người đồng thanh hưởng ứng: “Những nhà cách mạng vô sản tiền bối đã dùng thời gian 28 năm để tạo ra một Trung Quốc mới thì hà cớ gì chúng ta không thể dùng 28 năm tiếp theo để giải phóng toàn nhân loại?”



La Đại Hải lại càng là hạng người chỉ lo thiên hạ bất loạn, có đám náo nhiệt thế này làm gì có chuyện cậu ta chịu ngồi yên trong nhà. Hơn nữa khu Hắc Ốc cũng sắp bị giải tỏa đến nơi, nếu bọn họ ở lại thành phố, thì trước cuối năm nay kiểu gì cũng bị tống xuống vùng nông thôn cải tạo lao động.



Tuy nói rằng làm cách mạng không phân biệt sang hèn cao thấp, hàng triệu quân giải phóng chỉ cần rời khỏi sự trợ giúp tích cực của anh em nông dân là lại quay về con đường cũ, nhưng trên thực tế chẳng ai tình nguyện sống cuộc sống bán lưng cho đất bán mặt cho trời như vậy cả đời. Lúc bấy giờ trong tâm trí của hàng ngũ thanh niên trí thức chỉ có trở thành quân nhân mới là sự nghiệp thần thánh vinh quang nhất. Đã không thể làm lính trong nước thì sang Việt Nam đánh trận cũng là một con đường thoát thân, dù sao thì người cầm súng vẫn mạnh hơn kẻ cầm cuốc. Bọn họ lại suy ngẫm anh em mình từ ngàn dặm xa vất vả đến Việt Nam chi viện cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân nước láng giềng, cho dù chẳng có công lao cũng có khổ lao. Hơn nữa nếu luận về kinh nghiệm chiến thuật và lý luận chiến lược thì người Trung Quốc chúng ta chính là bậc thầy của họ, từ cổ chí kim hai bên từng đánh nhau hàng ngàn năm, xét về thứ bậc đương nhiên chúng ta là anh cả, giờ sang Việt Nam, kiểu gì họ chẳng bố trí cho chúng ta chức vụ đại loại như sư đoàn trưởng hay chí ít cũng là trung đoàn trưởng.



Tuy rằng Tư Mã Khôi từng sống ở Bắc Kinh mười mấy năm, ngày ngày cũng đến trường đi học nhưng từ nhỏ đã được Văn Võ tiên sinh thu nạp truyền nghệ, lại chịu ảnh hưởng rất sâu sắc bởi hoàn cảnh gia đình, kết cấu tư duy của cậu không phải là kết cấu tư duy được hình thành dưới mô thức giáo dục đơn nhất, bởi vậy cậu không hoàn toàn tán đồng với kế hoạch mà Hạ Thiết Đông vừa nói hôm nay. Có điều Tư Mã Khôi là người vô cùng coi trọng hai chữ “nghĩa khí”, hội La Đại Hải đều đã quyết định theo chân Hạ Thiết Đông đến Việt Nam tham chiến thì cậu cũng không thể để mình tụt hậu lại phía sau, hơn nữa rời khỏi Hắc ốc, cậu cũng chẳng còn chốn dung thân. Thế là Tư Mã Khôi liền quyết định theo mọi người cùng đến Việt Nam.



Những người lựa chọn đến Việt Nam đa số đều là con em có cha mẹ mắc tội hữu khuynh, không nhà không cửa, tương lai mờ mịt, trừ một vài người cá biệt không dám đi ra thì mọi người đều tự viết một bức huyết thư thể hiện lòng quyết tâm cao độ, sau đó đập nồi niêu bán sắt vụn, gom tiền vào làm lộ phí, cùng nhau bỏ nhà cất bước sang xứ người.



Hạ Cần thấy Tư Mã Khôi và La Đại Hải quả nhiên đi theo mọi người, trong lòng không tránh khỏi cảm giác hối hận muộn màng. Trong lúc tiễn biệt, cô nàng còn muốn khuyên nhủ bọn họ hồi tâm chuyển ý nhưng Tư Mã Khôi đâu chịu nghe người khác khuyên bảo. Cậu biết Hạ Cần là người rất kín miệng, không bao giờ tiết lộ với người ngoài kế hoạch bí mật của cả nhóm, nên cũng chẳng cần thiết phải dặn dò thêm điều gì. Tư Mã Khôi lại nghĩ đến việc giờ đây phải rời xa cố hương sang nước người đánh nhau với quân Mỹ trong làn mưa rơi lửa đạn đâu phải chuyện đùa, súng đạn vô tình, lành ít dữ nhiều, ngộ nhỡ trở thành thây ma chốn sa trường thì cả đời này chẳng về nổi tổ quốc cũng nên. Người ta ai cũng khó lòng rời bỏ quê mẹ, nên cậu đương nhiên không tránh khỏi cảm giác bùi ngùi lưu luyến, trong lúc thần trí trở nên bấn loạn, tâm sự trĩu nặng, những lời định nói ra đều quên khuấy mất.



Hạ Thiết Đông dẫn theo hai mươi mấy bằng hữu tiễn biệt người ở nhà trong dòng nước mắt chia ly. Cả đoàn lặng lẽ lên đường, vượt ngàn dặm Nam tiến. Trên đường đi, mọi người gặp phải biết bao sóng gió gập ghềnh, khó khăn không thể diễn tả hết bằng lời. Có điều vất vả lắm mới đến được biên giới Việt Trung, rồi lẻn qua cửa khẩu Hữu Nghị, đặt chân lên lãnh thổ Việt Nam, vừa nhìn thấy cảnh tượng khói lửa ngụt trời, máy bay ném bom của không quân Mỹ gầm rít ầm ầm khắp vòm trời miền Bắc Việt Nam khiến cả đoàn mãn nhãn đúng như mong đợi, trong lòng ai nấy đều dấy lên ý chí muốn quyết chiến sống mái một phen với quân thù, vừa định xông ra tiền tuyến tham gia chiến đấu, ngờ đâu tráng chí vẫn chưa được báo đáp, chẳng ai kịp nhìn tận mắt đại binh nước Mỹ trong truyền thuyết mặt mũi trông thế nào thì lại gặp ngay phải mấy đồng chí công an Bắc Việt. Mấy đồng chí ấy thấy cả đoàn đều mặc trang phục quân nhân nhưng lại chẳng đeo hàm hiệu gì cả, liền cho rằng họ là quân giải phóng đào ngũ đang chạy nhầm hướng, lập tức bắt tất cả đem nhốt lại mà chẳng cần hỏi han ngọn nguồn đen trắng gì sất. Do hai bên bất đồng ngôn ngữ, giải thích thế nào các đồng chí ấy cũng lắc đầu không hiểu. Thế là cả đoàn bị nhốt trọn một đêm trong song sắt.




Ngày hôm sau họ trói gô tất cả mọi người lại như trói lợn, rồi đem áp giải trở về Trung Quốc.



Đám người trẻ tuổi ấy sau khi trả về nước, trước tiên bị đem ra thẩm vấn một chập, sau đó được trực tiếp điều phối đến nông trường Vân Nam để cải tạo lao động. Khi đến nông trường lao động, họ nghe được một thông tin, nói là Miến Điện cũng đang đánh nhau, hơn nữa trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt, đầu người đều bị mang ra đánh như đầu chó. Ở Vân Nam có rất nhiều thanh niên trí thức từng chạy đến đó gia nhập hàng ngũ quân đội cộng hòa nhân dân Miến Điện. Miến Điện Cộng Hòa luôn nồng nhiệt chào đón người Trung Quốc, bất luận họ thuộc thành phần gì chăng nữa, cũng chẳng ai hỏi thân phận cao thấp sang hèn, lập tức phát súng thật cho mình, muốn chọn súng ngắn hay súng trường tùy sở thích, xưởng thuốc súng mở toanh mặc kệ ai muốn dùng bao nhiêu thì dùng. Tuy rằng ở đó không có máy bay rải bom nhưng hỏa tiễn anti-tank AT4, pháo cao xạ, súng máy hạng nặng thì muốn bao nhiêu cũng có, bọn họ còn thành lập “doanh trại đặc vụ thanh niên trí thức”. Đó là một nhóm bộ đội lập được rất nhiều công trạng lớn lao, khiến bọn địch sợ vỡ mật.



Hội Hạ Thiết Đông vẫn chưa được tham gia chiến đấu ở Việt Nam, trong lòng ai nấy đều cảm thấy không cam tâm, vừa nghe nói tình hình chiến sự ở Miến Điện như vậy, mọi người đều vô cùng ngứa ngáy chân tay. Cả nhóm chụm đầu bàn mưu tính kế, thấy rằng nông trường được bảo vệ rất lỏng lẻo, nên đều quyết định sẽ lẻn trốn ra ngoài một lần nữa. Thế là họ từ Vân Nam âm thầm xuất cảnh, vượt dòng Nô Giang tham gia quân đội nhân dân của tổ chức Cộng hòa Miến Điện.



Từ khi đến Miến Điện, Hạ Thiết Đông tham gia tất cả hàng trăm trận chiến lớn nhỏ, tuy rằng anh chỉ mới hai mươi mấy tuổi đầu nhưng do trình độ văn hóa tương đối cao lại được tôi luyện nhiều năm từ các bộ phim nội chiến trong nước, vì thế tầng kiến thức và lý luận về chiến thuật chiến lược của anh có thể nói là không thầy mà tự hiểu, tác chiến vô cùng anh dũng, đương nhiên được sự trọng dụng của quân đội Miến Điện. Những chiến hữu này đều tụng xưng anh ấy là Che Guevara của Trung Quốc.



Tư Mã Khôi và La Đại Hải luôn sát cánh bên cạnh anh Hạ Thiết Đông, trong suốt cuộc chiến tranh tanh mùi máu kéo dài suốt bao nhiêu năm, họ đã trải qua vô số lễ rửa tội của máu và lửa, từ cuộc hành quân trinh sát hiểm nguy mai phục tứ phía đến cuộc đấu tranh sinh tồn vô cùng gian khổ nơi hoang dã, từ việc đối diện với màn mưa rơi lửa đạn trên chiến trường đến những áp lực tinh thần khó lòng chịu đựng sau khi sống sót. Tất cả nỗi khiếp sợ, hoảng loạn trong chiến tranh dường như đều giáng xuống đầu họ, giúp họ sớm rèn luyện được phẩm chất độc lập đương đầu với thực tế, kiên gan trước cục diện tàn khốc sau này. Trong hậu kỳ cuộc chiến tranh, bộ đội Cộng hòa Miến Điện liên tiếp bại trận, nội bộ quân đội nhân dân xảy ra mâu thuẫn gay gắt, liên đới lẫn nhau, phạm vi khống chế càng ngày càng bị thu hẹp, tình hình trở nên vô cùng khó khăn. Cuối cùng tiểu đội của Tư Mã Khôi cũng bị đại đội quân chính phủ vây bắt và dồn vào ven rìa khu rừng rậm bí ẩn của núi Dã Nhân nằm ở phía bắc Miến Điện.



Những chiến hữu rời bỏ đất nước theo chân Hạ Thiết Đông sang Miến Điện năm đó, giờ đây người thì chết trận, kẻ thì mất tích trong khi chiến đấu, số người sống sót chẳng còn bao nhiêu, vì thế tất cả đành phải rút lui vào núi đánh du kích. Trong một lần đi trinh sát, Hạ Thiết Đông dính trọng thương rồi bị địch bắt sống, sau đó anh bị chúng hành hình tàn khốc bắt đem đi chôn sống, đến nay ngay cả thi thể cũng không tìm thấy.



Tàn dư của đội du kích chỉ còn khoảng bốn mươi mấy người, cả ngày chạy tháo mạng mệt không kể xiết, cuối cùng phải lui về gần núi Dã Nhân. Bọn họ không chỉ thiếu thốn lương thực đạn dược mà ngày nào cũng phải đối mặt với thương vong chết chóc. Cho dù bản lĩnh của hội Tư Mã Khôi có giỏi giang hơn nữa thì giờ khắc này cũng khó lòng xoay chuyển được đại cục.



Quân chính phủ đã sớm coi nhóm người này là cái gai trong mắt, chúng treo giải thưởng lớn cho người nào cắt được thủ cấp tên cầm đầu. Tuy rằng bọn chúng không dám mạo hiểm vào sâu trong núi Dã Nhân Bắc Miến để truy bắt nhưng lại điều động một lực lượng lớn binh sĩ phong tỏa khắp các cửa núi. Mục đích của họ là dồn tất cả các thành viên còn lại của đội du kích vào núi sâu rừng thẳm, nhốt sống trong đó cho đến chết.



Núi Dã Nhân là một khu vực vô cùng nguy hiểm và thần bí đến khó lường. Dải địa hình của nó cực kỳ phức tạp, hệ thực vật trong rừng nguyên sinh um tùm rập rạp dị thường, quanh năm mây mù che phủ, không bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời. Bởi vậy nơi đây được mệnh danh là “địa ngục chốn rừng sâu”. Thời tiết luôn luôn ẩm ướt, oi bức tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh dịch phát triển tràn lan, côn trùng độc sinh sôi nảy nở, muỗi vắt nhiều vô số, bất kể loài nào trong số chúng đều có thể hút cạn máu người thành xác khô ngay trong phút chốc. Tương truyền, rừng rậm còn là nơi ẩn náu của yêu quái “Phi đầu man” (loại yêu quái thường xuất hiện dưới hình hài con người, ban đêm đầu và cơ thể tách rời nhau, phần đầu đi khắp nơi săn mồi), nó có thể nuốt chửng một con mãng xà dài mười mấy mét, còn biết phun sương tạo mây. Trên cạn đã vậy, dưới nước lại là nơi cư ngụ của từng bầy từng đàn cá ăn thịt người, bởi thế chẳng ai vào núi mà dám cả gan đến gần ao hồ sông suối. Từ xưa đến nay, chưa một người nào có thể sống sót trở về sau khi lạc bước đến chỗ này. Hiện giờ, đội du kích rút chạy về đây thì rơi vào tuyệt lộ. Họ chịu sự kìm kẹp đồng thời từ cả hai phía trong và ngoài, cho dù chọn cách phá vòng vây hay trốn vào núi sâu thì kết cục cuối cùng vẫn khó lòng thoát khỏi bàn tay thần chết.


Trước Sau
Copyright © Truyện Truyện 2024. Liên hệ: [email protected]