Chương 16: ★ Vương Hậu Thân Tàm ★

Cập nhật 3 năm trước
Trước Sau


Tin chiến thắng của Sở quân liên tiếp được báo về.
Địch Kỳ Dã đánh hạ ba thành Tằng Thả, Thế Sơn, Cố Giang, vây quanh thành Uy Viễn chật như nêm cối, nửa cái lông chim cũng không thể bay lọt, thành kế trọng binh vây thành.
Lục Dực đánh hạ thành Thuý Bích, hắn là một người có tâm, biết đặc sản thành Thuý Bích là mỹ ngọc, liền hiến lên một rương đồ ngọc đi cùng theo chiến báo.
Rương đồ ngọc này có giá trị liên thành, nhàn nhạt sáng lên ánh bảo vật, tất nhiên cũng không phải toàn bộ đều do thành Thuý Bích sản xuất ra, mà là Lục Dực tra soát cửa hàng của tứ đại danh phiệt, rồi cẩn thận chọn ra những sản phẩm tốt nhất.
Nhan Pháp Cổ ngồi xổm trước cái rương y như đang dạo hàng chợ, lấy phất trần chọc chọc, nhìn một cái hồ lô tử ngọc cảm thán: “Tốt, thứ tốt, thích hợp đựng thuốc viên.”
Sau đó lại chọc sang bàn tính bích ngọc, ngạc nhiên hô: “Đây chẳng phải là bảo khí để đoán mệnh sao?”
Chúng tướng bị hắn chọc cười đau bụng, Cố Liệt cong môi, cũng đi đến trước cái rương, nhìn nhìn, chỉ vào một chiếc trâm ngọc cho nữ, hỏi Nhan Pháp Cổ: “Cái này cũng có tác dụng tu đạo?”
“Cái này tuy không có công dụng để tu đạo,” Nhan Pháp Cổ căng ra một khuôn mặt nghiêm trang, giọng điệu kéo dài gợi lên sự tò mò của mọi người, rồi mới tiếp tục nói: “Nhưng ai mà chẳng có mấy việc hiếu hỉ của thân thích bằng hữu, bần đạo cũng không thể là ngoại lệ, ngày sau Chủ Công sẽ đại hôn, bần đạo có thể không tích cóp trước dăm món của cải để chuẩn bị làm lễ sao!”
Lời này vừa nói ra, chúng tướng cười phá lên, chế nhạo nhìn Cố Liệt, muốn xem dáng vẻ e thẹn của Chủ Công.
Cố Liệt sao có thể để cho bọn họ được như ý, huống chi lòng hắn vốn lặng như nước, lập tức nhìn Nhan Pháp Cổ ngạc nhiên nói: “Ý này tức là, khi ta đại hôn, ngươi định dùng ngọc khí ta ban thưởng cho ngươi quay ngược làm lễ tặng cho ta à? Nhan Pháp Cổ, ngươi có keo kiệt cũng nên keo kín đáo một tí chứ?”
“Ầy,” Nhan Pháp Cổ đứng giữa những tiếng cười nhạo cũng không ngượng ngùng chút nào, da mặt dày có thể so với tường thành, hai tay xoè ra, tự mình khen mình: “Bần đạo chính là một người trần trụi, thẳng thắn vô tư, không che không giấu như vậy đó.”
Khương Dương giả vờ che miệng: “Dừng dừng, câu này của ngươi quá mặt dày, không tiêu hoá nổi, trào ngược lên rồi.”
Bọn họ đùa cợt đủ rồi, Cố Liệt lấy ra một khối ngọc bội xuyên dây tơ hồng từ trong rương, rồi nói với Khương Dương: “Giữ lại một phần cho Bắc Hà.

Còn lại các ngươi chia nhau đi.”
“Vậy còn Địch tiểu ca?” Khương Dương nhắc nhở.
Cố Liệt nhẹ nhàng buông tay, thả xuống nửa sợi tơ hồng, ngọc bội xuất hiện trước mắt mọi người: “Hắn lại không đưa lễ, còn muốn được chia đồ tốt? Giữ lại cho hắn món đồ chơi nhỏ thôi, cái này là đủ rồi.”
Khương Dương nhìn vào, là một mảnh tang diệp (lá dâu) phỉ thuý mượt mà đáng yêu, to bằng cỡ nửa lòng bàn tay thiếu nữ, xanh biếc trong sáng, từng chiếc gân lá đều điêu khắc sinh động như thật, bên sườn được đục một lỗ, có thể đeo cũng có thể buộc, dùng để treo ở bên hông hoặc trang trí nhà cửa đều rất đẹp.
Nghĩ tới xuân tằm mà Địch tiểu ca tặng, Khương Dương hiểu ra đây là Chủ Công muốn có qua có lại, liền không có thêm ý kiến gì nữa, lên tiếng trả lời đồng ý.

Tướng lãnh còn lại không biết chuyện đó, chỉ coi như Chủ Công cố ý trêu đùa Địch tiểu ca cho vui, cười một cái rồi cũng thôi.
Nhưng thật ra Nhan Pháp Cổ nhìn mảnh tang diệp đó, ngón tay bấm bấm tính tính, trong miệng lầm bầm ra tiếng, không biết đang buồn rầu chuyện gì.
Nhạc đệm đã qua, tiếp theo đến nghị sự.
Kỵ binh Phong Tộc cũng đang hát vang khúc ca khải hoàn ở Ung Châu, cộng thêm Sở quân vừa tới Thanh Châu đã đánh hạ liên tiếp bốn thành trì, đánh cho hai nhà Liễu Nghiêm nóng vội đến muốn xỉu, đặc biệt là Nghiêm gia, ở chiến trường Ung Châu đã mất đi hai con cháu dòng chính, ngày tin báo tang truyền tới Nghiêm gia, lão thái gia, chủ đương gia của Nghiêm gia tức giận mà chết.
Mật thám Sở quân nhân cơ hội thả ra tin Liễu gia và Vi Bích Thần lén lút liên lạc với Phong Tộc, khơi mào sự bất mãn của Nghiêm gia đối với Liễu gia và Vi Bích Thần, lại xúi giục lão tướng Huyền Minh dâng thư cho hoàng đế Yến Triều, thỉnh cầu xuất binh đối kháng Phong Tộc.
Không ngoài dự đoán của Cố Liệt, Vi Bích Thần không gặp Nghiêm gia, cũng lấy lý do bảo hoàng mới là việc quan trọng nhất, không cho phép Huyền Minh xuất binh đi Ung Châu.
Từ đó, Nghiêm gia bắt đầu thử tiếp xúc với người Sở.
Bàn luận tới đây, Khương Dương khó hiểu, dò hỏi Cố Liệt: “Vì sao Chủ Công lại chắc chắn Vi Bích Thần sẽ không phái Huyền Minh tới Ung Châu? Tuy rằng Đế đảng phải chịu khổ vì tứ đại danh phiệt, kẽ hở cầu sinh, nhưng rốt cuộc tứ đại danh phiệt vẫn là thế lực của Yến triều.

Hắn mặc cho Phong Tộc đánh Ung Châu, chẳng phải là đang bảo hổ lột da?” (1)
Kiếp trước, Cố Liệt cũng không nhìn thấu được con người Vi Bích Thần.
Nói hắn trung tâm, xem xét từng việc từng việc hắn làm ra, đó xác thật là vô cùng trung tâm.
Khi Vi Bích Thần còn ở thời kỳ tiên đế Yến Triều thô bạo vô độ, hắn tận lực ổn định giang sơn, sau khi tiên đế chết, cố gắng đưa Thái Tử lên kế vị, sau đó thành Đế đảng, chu toàn giữa địch ngoài và nạn trong, dùng sức một người bảo vệ Yến mấy năm, cuối cùng vì hy sinh cho quốc gia mà chết.
Ai dám nói Vi Bích Thần hắn không trung tâm.
Nhưng giả như Vi Bích Thần thật sự là trung thần, hơn nữa là đại trung thần thiết cốt tranh tranh (2) có thể lấy cái chết để hy sinh vì quốc gia, từ góc nhìn của Cố Liệt, lại đầy điểm đáng ngờ.
Thứ nhất, sau khi tiên đế Yến Triều bước vào tuổi trung niên bắt đầu trở nên tàn nhẫn, lúc ấy Vi Bích Thần đã thành Thừa tướng quyền cao, vì sao không nói tiếng nào, hoàn toàn không khuyên nhủ không can gián? Trên cái trát di chín tộc Sở Cố, còn có cả quan ấn Thừa tướng của Vi Bích Thần hắn.
Thứ hai, nếu nói điều thứ nhất là bị hoàn cảnh ép buộc, vì đại kế của Yến Triều mà không thể không nhẫn nại, vậy sau khi tiên đế đã chết, vì cái gì còn ra sức bồi dưỡng một Thái Tử vô dụng, trăm không dùng nổi một lên kế vị?
Thứ ba, nếu nói điều thứ hai là do tôn sùng đích trưởng chính thống, vậy vì sao lại nuôi văn nhân hoàng đế trong thâm cung, mặc hắn viết chữ làm thơ, không dạy dỗ hắn cách làm vua, ngược lại tự mình nắm toàn bộ quyền hành?
Thứ tư, nếu nói điều thứ ba là do tính thế hiểm nguy không thể không làm như vậy, vậy cớ gì chỉ vì muốn cản trở tứ đại danh phiệt, mà mặc cho thiết kỵ của Phong Tộc giẫm đạp non sông?
Cho nên, con người Vi Bích Thần, từ kiếp trước Cố Liệt vẫn luôn không có cách nào lý giải được.

Chuyện người chuyện vật không liên quan đến Đại Sở, Cố Liệt cũng không để trong lòng, Vi Bích Thần tự sát, Cố Liệt vội vàng lập Sở, đương nhiên ném người này qua sau đầu.
Mãi đến sau này, trong một bữa tiệc ngắm hoa nọ, có văn sĩ sáng tạo khác người, viết một bài tế cho Vi Bích Thần, khen nức nở khí tiết hy sinh vì quốc gia của hắn.

Vẻ mặt Cố Liệt không đổi, dù sao sẽ có cận vệ tống cổ tên văn sĩ đó ra ngoài.
Khi đó Địch Kỳ Dã bị tố cáo có liên hệ với thủ lĩnh Phong Tộc, Cố Liệt giam hắn ở trong cung, hai người cùng ngồi về cung, trên đường, Cố Liệt không nhịn được hỏi Địch Kỳ Dã: “Địch Quốc Hầu đánh giá con người Vi Bích Thần như thế nào?”
Địch Kỳ Dã đảo trắng mắt, cho bốn chữ, “Đại gian như trung.” (3)
Vì thế Cố Liệt càng khó hiểu.
Thật ra cũng không phải Cố Liệt để ý nhiều lắm tới việc vì sao Vi Bích Thần lại là đại gian như trung.

Hoàn toàn ngược lại, Địch Kỳ Dã vừa trả lời xong, bản thân đề mục này đã không còn quan trọng nữa.
Quan trọng là một Địch Kỳ Dã vẫn luôn đối với người khác nhạt như nước, vậy mà lại ghét Vi Bích Thần như thế.

Hai người chưa bao giờ gặp nhau, càng chưa bao giờ giao phong trên chiến trường, là điều gì khiến Địch Kỳ Dã chán ghét Vi Bích Thần đến vậy?
Kiếp trước, Cố Liệt vẫn luôn không tìm ra đáp án.
Tuy rằng hiện tại cũng không rõ lắm.
Nhưng hôm nay nhớ tới câu trả lời của Địch Kỳ Dã, không nói về Địch Kỳ Dã, chỉ nói về bản thân đáp án này, Cố Liệt chợt nghiệm ra được một chút ý tứ.
Cố Liệt nói với Khương Dương: “Có người từng đánh giá Vi Bích Thần với ta, nói rằng đại gian như trung.”
“Cái này,” Khương Dương trầm ngâm một lát, cẩn thận hồi phục: “Không phải không có khả năng.”
Kết thúc vấn đề này.

Có tướng lãnh đưa ra việc Địch Kỳ Dã dùng dân chúng làm con tin ép binh lính Thế Sơn xuất chiến, gây tổn hại tới đại nghĩa, không phải việc làm của quân tử, càng quan trọng hơn chính là huỷ hoại cả thanh danh của Sở quân.
Cố Liệt suy tư, sai Khương Dương viết một tờ vương bảng, dán ra ngoài.
Chúng tướng nghe Chủ Công đọc ra, không chờ Khương Dương ghi chép xong, mặt của vị tướng nhảy ra làm chim đầu đàn kia đã xám như tro tàn.
“Tứ đại danh phiệt gây hoạ tam châu, khiến bá tánh Thanh Châu phải chịu nhiều khổ đau chiến tranh, tướng quân Địch Kỳ Dã phụng lệnh Sở Vương, diệt trừ thế lực danh phiệt, cứu rỗi bá tánh Thanh Châu từ nước lửa sục sôi.

Dân chúng Thanh Châu cảm kích nhớ ơn Địch tướng quân, vậy mà đã vì Địch tướng quân sôi nổi gia nhập quân ta, làm gương cho binh sĩ, những nghĩa lớn này, đáng tôn kính đáng ca ngợi……”
Khen ngợi dân chúng Thanh Châu như nọ như kia một hồi, còn cổ vũ dân chúng ba châu còn lại, thậm chí là dân chúng Bắc Yến cùng nổi dậy đấu tranh với Yến gian, Sở quân ta chiêu hiền nạp sĩ, không hỏi xuất thân.
Ngay cả Nhan Pháp Cổ cũng phải cảm thán ở trong lòng, vương bảng này của Chủ Công quả thực mặt dày vô sỉ.

Làm quá hay!
Cuối cùng bác bỏ thỉnh cầu xuất chiến Tần Châu của Ngao Qua, không còn việc gì nữa, Cố Liệt liền ra lệnh tan họp cho mọi người.
Khương Dương ở lại đến cuối cùng, bẩm: “Chủ Công, Cố gia Trung Châu nhờ vả không ít người, đề nghị tổ chức thịnh hội sau khi đại quân quay về Sở, có vẻ như muốn hiến mỹ nhân lên cho Chủ Công.”
“Đã biết.”
Cố Liệt nhẹ nhàng xua tay, Khương Dương chỉ đành thuận ý cáo lui.
*
Khương Dương lo lắng sốt ruột đi ra khỏi phòng nghị sự.
Bị Nhan Pháp Cổ mai phục đã lâu túm được ngay chóc.
“Làm cái gì!” Khương Dương ra sức xé tên đạo sĩ rởm từ trên người mình xuống.
Nhan Pháp Cổ khoác cổ Khương Dương lôi sang chỗ yên lặng, mới buông hắn ra, vui rạo rực nói: “Bần đạo đoán chắc, Chủ Công hồng loan tinh động, có đào hoa xuất hiện.”
Không ngờ Khương Dương nghe vậy, không mừng còn lo: “Ngươi tính lăng nhăng cái gì đấy!”
Nhan Pháp Cổ không phục, bắt đầu phân tích.
“Khối ngọc hôm nay, Chủ Công chỉ liếc mắt qua thôi đã chọn trúng ngay mảnh ngọc tang diệp, lá dâu là dùng để gì hả? Để nuôi tằm!
“Cái gọi là ‘thiên tử thân canh dĩ cộng tư thịnh, vương hậu thân tàm dĩ cộng tế phục’ (4), vương hậu thân tàm là nghi lễ cổ, cái này còn không phải là dự triệu Kinh Sở ta sắp nghênh đón Vương Hậu rồi hay sao?”

“Cho nên bần đạo bấm tay tính toán, vận mệnh chú định nhìn thấy được dị tượng, một vị công chúa hồng y ngự giá thanh loan, như ngọn lửa rựa cháy thiêu cả cánh đồng, nhẹ nhàng hạ xuống Tê Phượng Đài.

Đúng là dấu hiệu hồng loan tinh động đó!”
Nhan Pháp Cổ đắc ý mà vung tay chỉ về phía Phượng Hoàng Sơn ở nơi xa, khoe khoang với Khương Dương: “Đạo tràng của công chúa nương nương ở ngay kia kìa, ngươi chắc không phải chưa nghe đến truyền thuyết hồng loan tinh động bao giờ đấy chứ?”
Khương Dương cười.
Khương Dương tới gần Nhan Pháp Cổ, thần bí nói: “Từ lời của ngươi, ta chợt nghĩ đến một người, hắn tặng một con xuân tằm cho Chủ Công, thật không dám dấu diếm, mảnh ngọc bội tang diệp đó của Chủ Công, kỳ thật cũng là để tặng cho hắn.”
Mặt mày Nhan Pháp Cổ hớn hở: “Ngươi còn coi thường bần đạo, quẻ của bần đạo quả nhiên quá chuẩn! Không biết vị tiên nữ này là tiểu thư nhà nào?”
Khương Dương ngoắc hắn đưa lỗ tai lại đây.
“Tiên nữ này họ Địch.”
“Họ hay!”
“Tên Kỳ Dã.”
“Tên h… A?”
——————————————————
Chú thích:
(1) Bảo hổ lột da: không thể hy vọng người khác đồng ý với việc tự mình hại mình
(2) Thiết cốt tranh tranh: xương cứng như thép, gõ kêu bong bong luôn
(3) Đại gian như trung: đại gian thần hay phản tặc nhưng nhìn như trung thành
(4) Thiên tử thân canh dĩ cộng tư thịnh, vương hậu thân tàm dĩ cộng tế phục: thiên tử phải dâng lễ nông nghiệp trước, tự mình cày ruộng; vương hậu phải kính cẩn dâng lễ tằm trước và hái lá dâu đút cho tằm ăn.

Nghi thức thể hiện người thống trị coi trọng nông nghiệp và nghề nuôi tằm
——————————————————
Quẻ thật rất chuẩn á =)))))).

Trước Sau
Copyright © Truyện Truyện 2024. Liên hệ: [email protected]