- Có việc gì anh cứ nói đi, tôi là thư ký riêng.
Đầu dây đàng kia Chung Duy Hiền tỏ ra băn khoăn: "Thư ký riêng ư?". Liễu Nguyệt nghe tiếng không phải Mạnh Vân Phòng hoảng quá vội vàng gọi phu nhân đến. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Tổng biên tập Chung Duy Hiền đấy ạ? Chi Điệp đi vắng, có việc gì thưa ông?
Ngưu Nguyệt Thanh trợn mắt nhìn Liễu Nguyệt, Liễu Nguyệt cứ há mồm thè lưỡi, song thấy Ngưu Nguyệt Thanh sắc mặt chợt khác đi, nói một cách gấp gáp:
- Ông cứ cho anh ấy đem tới.
Bỏ ống nghe, Ngưu Nguyệt Thanh ngồi chết gí trên ghế sa lông bên cạnh. Liễu Nguyệt hỏi:
- Có việc gì vậy thưa chị?
Ngưu Nguyệt Thanh giục:
- Em đi sang hội văn học nghệ thuật tìm thầy Điệp của em về nhanh nhanh lên!
Liễu Nguyệt đáp:
- Mấy hôm nay không thấy bóng dáng thầy Điệp đâu cả. Ai nắm bắt được đi lúc nào về lúc nào. Sáng nay em sang, không thấy người đâu, chỉ có mỗi một mẩu giấy viết "đi xa sáng tác", có ma mới biết được đi sáng tác ở đâu.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Anh ấy đi đâu được nhỉ? Em cứ sang bên đó lần nữa xem nào. Nếu vẫn không có nhà thì hỏi bà Vị gác cổng, xem có nhắn lại bà Vị điều gì không? Nếu vẫn không thấy, thì đi hỏi thầy Phòng của em xem, sau đó ra hiệu sách hỏi Hồng Giang.
Liễu Nguyệt đáp:
- Vâng, như vậy phải chạy khắp nửa thành phố cơ đấy!
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Bây giờ không phải lúc nói đổng. Em đi đi, nếu đi bộ mệt thì thuê xe. Chị ở nhà chờ Chu Mẫn.
Nói xong móc túi đưa cho Liễu Nguyệt ba chục đồng. Khi thay quần áo, từ túi áo khoác ngoài của Ngưu Nguyệt Thanh treo trên giá, Liễu Nguyệt lại móc lấy vé xe tháng, khoác cái túi da nhỏ của mình đi ra cổng.
Liễu Nguyệt đem ba mươi đồng ra cửa hàng mua một đôi tất lụa dài ống, lại thêm mấy đồng của mình mua một đôi dép cao gót da trâu màu trắng, sắm thêm một cặp kính râm. Còn lại ba đồng vào luôn cửa hàng kem gọi một cốc kem năm màu. Sau đó, cởi đôi giày cũ ra, thay dép mới, đi tất lụa dài ống vào, đeo kính râm lên, ngồi vào bàn ăn tại chỗ. Nghĩ bụng: "Việc quái gì khẩn cấp thế, mà sai mình chạy long sòng sọc lên thế nhỉ? Mình nói ra còn chê mình nói đổng. Không nói ra, có lẽ cũng không nôn ra ba mươi đồng này đâu!" Ở bàn bên cạnh có một anh chàng cứ nhìn Liễu Nguyệt chằm chằm, gã đeo kính râm, Liễu Nguyệt cũng bạo dạn nhìn trả lại, đôi chân nhỏ vắt chéo lên cứ đưa qua đưa lại. Chàng trai kia cười, để lộ cả lợi răng đo đỏ, lấy ngón tay trỏ làm thành hình lưỡi câu ra hiệu rủ rê móc nối. Liễu Nguyệt thấy sờ sợ đứng dậy đi luôn. Nào ngờ chàng trai kia cũng bám theo. Liễu Nguyệt vội lảng vào một cửa hàng, không để hắn bám đuôi. Nào ngờ vừa ra khỏi cửa, đã thấy hắn ta đứng ngay ở đó. Hắn bảo:
- Cô em ơi, "Đả động" nhé!
Từ lâu cô đã nghe kể, trên đường phố bọn gái điếm móc nối với khách làng chơi thường dùng ám hiệu "đả động". Cô sọ toát mồ hôi hột, song vẫn làm ra vẻ từ tốn nói:
- Từ Quảng Đông đến phải không? Eo ơi, tại sao răng ông anh lại bám dính lá hẹ thế kia!
Liễu Nguyệt nói tới mức chàng trai kia xấu hổ đỏ mặt, quay vào tấm kính trong tủ hàng nhìn hàm răng. Liễu Nguyệt liền nhảy luôn lên xe ca chở khách đậu bên đường, vừa bước lên thì cửa xe đóng lại. Cô tựa vào cửa sổ xe nhìn thấy chàng trai kia quay lại tìm mình. Cô liền ném đi một nụ cười rất tươi, bàn tay phải giơ ngón tay cái ra chỉ vào mịnh sau đó chĩa ngón út ra chỉ vào hắn ta và phù một cái nhổ vào ngón tay út.
Đến khu tập thể hội văn học nghệ thuật, vẫn không thấy người trong nhà. Hỏi bà Vi gác cổng, bà cũng không rõ. Liễu Nguyệt nghĩ bụng biết đâu có thư để trong nhà, quay trở lại gõ cửa tìm khắp nơi vẫn không thấy gì cả, song đã nhìn thấy một đồng xu treo ở vòi nước trong buồng tắm, cầm lên ngắm nghía thấy hay hay, tháo sợi dây ra cho luôn vào túi. Sau đó đi ra đón xe ca đến nhà Mạnh Vân Phòng. Mạnh Vân Phòng mặc chiếc quần đùi rộng, bảo cô ngồi nhà chờ để anh đạp xe đi tìm. Mạnh Vân Phòng đi đến "nhà cầu khuyết", ở đó cũng không có, đành quay trở về. Liễu Nguyệt hỏi:
- Thầy đi đâu sao lâu thế?
Mạnh Vân Phòng không thể nói địa chỉ với Liễu Nguyệt, cứ ầm à ầm ừ nói liên thiên cho qua. Liễu Nguyệt đành gửi hy vọng cuối cùng vào hiệu sách. Cô đáp xe đến hiệu sách, nhìn thấy ngôi nhà bên cạnh đang tu sửa, biết ngay đó là cửa hiệu bán tranh. Liễu Nguyệt hỏi Triệu Kinh Ngũ có ở đây không. Thợ sửa chữa bảo Triệu Kinh Ngũ đang đi mua dụng cụ, cứ tưởng cô là bạn gái của Triệu Kinh Ngũ, liền trơ mặt ra cứ vặn hỏi thế này thế khác. Liễu Nguyệt nói một tiếng "Ghét mặt". Quay trở lại hiệu sách, không thấy Hồng Giang, từ một cái thang gỗ ở ngoài cửa sổ trèo lên thẳng gác hai của hiệu sách. Cô biết trên đó là buồng ở của Hồng Giang và hai gian nhà kho. Trên gác yên ắng lắm, chỉ có con mèo đang ăn vụng bát cháo. Liễu Nguyệt co chân đá con mèo một phát vào căn buồng nhỏ. Hồng Giang đang hú hí với một cô gái trên mép giường. Liễu Nguyệt liền lên tiếng:
- Gớm thật, Hồng Giang, ban ngày ban mặt, anh đú đởn với nó vừa vừa chứ, đẹp mặt nhỉ?
Hồng Giang sợ đến mức kéo luôn cái khăn trải giường đắp lên trên người cô gái kia, một tay đóng cửa, một tay bịt miệng Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt cảm thấy xúi quẩy vì đã gặp phải chuyện này. Cô hất tay Hồng Giang ra, ngồi xuống ghế sa lông, tiện tay cầm tờ báo giở ra trước mặt, vừa xem vừa nói:
- Bỉ ổi! Bỉ ổi!
Hồng Giang nói:
- Chị ơi, em cầu xin chị chớ nói việc này với thầy Điệp và cô Thanh.
Liễu Nguyệt đáp:
- Lúc này sao mở miệng cứ ngọt xớt thế, ai là chị của anh? Khỏi cần nói dối thầy Điệp cô Thanh, việc của tôi đã xong đâu. Ở nhà quê gặp chuyện thế này, đàn ông đàn bà phải xé hai thước vải điều đem biếu, không thì người đó xúi quẩy, huống hồ tôi còn là con gái.
Hồng Giang liền rút từ ngăn kéo đưa cho Liễu Nguyệt một xấp tiền. Cô bảo:
- Bịt miệng tôi đấy hả?
Hồng Giang nói:
- Chị Nguyệt ơi, nếu chị không lấy, em không yên tâm. Em biết mỗi tháng chị chẳng được bao nhiêu, sau này có chuyện gì, chị cứ đến tìm em. Em nói thế nào tuyệt đối làm như thế!
Liễu Nguyệt nói:
- Tôi không nhận số tiền này, nếu anh sợ tôi không nhận không yên tâm, thì ngày mai anh đem nó gởi vào ngân hàng, rồi đưa phiếu gởi cho tôi là xong. Thầy Điệp có đến đây không?
Hồng Giang đáp:
- Ngày mai em sẽ đưa phiếu gửi tiết kiệm cho chị. Chị hỏi thầy Điệp phải không? Thầy Điệp không đến đây.
Liễu Nguyệt lại hỏi:
- Anh có biết gần đây thầy Điệp đi sáng tác ở đâu không?
Hồng Giang đáp:
- Em không biết.
Liễu Nguyệt định đi, song đã đến gần giường kéo chiếc khăn trải giường một phát, nói:
- Cho tôi nhìn xem vị này là ai nào?
Dưới tấm khăn trải giường là một đống thịt mịn màng trắng nõn. Liễu Nguyệt không biết là ai, song đã nhớ kỹ ở má có một nốt ruồi to và đen.
Ở nhà Ngưu Nguyệt Thanh chờ Liễu Nguyệt, càng sốt ruột chờ Chu Mẫn. Chu Mẫn không đến, song Đường Uyển Nhi đã đến.
Thì ra Chung Duy Hiền gọi Chu Mẫn đến cho xem tài liệu rồi bảo sao chụp lại một bản đưa ngay đến cho Trang Chi Điệp. Chu Mẫn cầm đọc, dường như há mồm trợn mắt. Đây là một giấy báo Cảnh Tuyết Ấm gởi cho Sở, tuyên bố về việc sở văn hoá không kiên quyết chấp hành chỉ thị của trưởng ban tuyên truyền, mà tạp chí lại từ chối không đăng tuyên bố nghiêm chỉnh, nên chị ta đành phải giải quyết vấn đề bằng con đường pháp luật. Hiện giờ đã gởi thư khởi tố lên toà án khu vực. Toà án khu vực cho rằng một trong các bị cáo là Trang Chi Điệp, lại là đại biểu hội đồng nhân dân, nên họ không có quyền thụ lý, mà chuyển lên toà án trung cấp của thành phố. Bị cáo gồm tác giả Chu Mẫn, người cung cấp tài liệu Trang Chi Điệp, đơn vị đăng bài là tạp chí Tây Kinh, gồm tổng biên tập Chung Duy Hiền, người xét duyệt đầu tiên Cẩu Đại Hải, người xét duyệt lần thứ hai Lý Hồng Văn. Thư khởi tố không gửi cho sở, song lại sao chụp một bản bức thư của Trang Chi Điệp vừa mới gởi cho vợ chồng Cảnh Tuyết Ấm, hơn nữa lại còn dùng bút đỏ đánh dấu từng đoạn lời viết trong thư. Chu Mẫn không nói một câu, rời khỏi toà soạn tạp chí, cũng không trực tiếp đến tìm Trang Chi Điệp ở bên Song Nhân Phủ, mà vào một quán rượu, ăn bốn mươi xâu thịt dê nướng, uống bốn chai bia, rồi thất tha thất thểu đi về nhà. Sáng nay, Đường Uyển Nhi ra cửa hàng chọn mãi mới mua về một lọ thuốc sơn móng tay, mua về rồi lại tỉ mẩn cắt dũa móng tay, đang bôi thuốc dầu nhuộm lên móng, thì thấy Chu Mẫn bước vào cổng, tựa vào cánh cổng cười cười. Đường Uyển Nhi cảm thấy ngạc nhiên, hỏi:
- Anh say rồi, anh say rồi hả?
Chu Mẫn tụt khỏi cánh cổng, oạ oạ nôn ra một đống tanh tưởi, gà trong sân liền chạy đến mổ ăn, gà ăn được cũng dần dần xiêu xiêu, vẹo vẹo gục xuống tại chỗ. Đường Uyển Nhi điên tiết bế anh vào nhà, bế không nổi, liền cầm tay kéo. Chu Mẫn liền bám chặt cây lê, cất tiếng chửi:
- Anh ta bán đứng ta rồi, vì một con đàn bà, anh ta đã định thí mạng ta! Bỉ ổi, độc ác, xấu xa, không phải thằng đàn ông!
Đường Uyển Nhi hỏi:
- Anh nói gì vậy? Đứa nào vì một con đàn bà đã bán đứng anh hả?
Chu Mẫn đáp:
- Thầy giáo của chúng mình, người mà em sùng bái ấy!
Đường Uyển Nhi hồi hộp, trống ngực đánh thình thình, nhổ toẹt luôn một cái, mắng:
- Anh nói gì vậy, sao anh ấy lại bán đứng anh? Anh còn bảo một con đàn bà! Vì sao tôi đến đây hả? Tôi không có pháp luật bảo vệ thì phải phụ thuộc vào anh!
Chu Mẫn mắt đờ đẫn, đầu óc choáng váng, anh không nghe rõ Đường Uyển Nhi nói gì, chỉ thấy mồm chị ta bôi môi son đang khép mở và mười ngón tay nhuộm móng đỏ đang vung vẩy, anh liền nằm liệt ra đó, say lịm đi.
Đường Uyển Nhi đứng tại chỗ, nhìn Chu Mẫn nằm còng queo bệ rạc, cảm thấy buồn nôn. Chị ta không hiểu sao ngày ấy chị đã phải lòng anh, cố sống cố chết bỏ đi theo anh đến đây? Chị ta thầm nghĩ:
- Ngày ấy hôm nay đã đến, rút cuộc đã đến!
Mấy lần Đường Uyển Nhi đã định nêu ra vấn đề muốn tách khỏi Chu Mẫn, mấy lần sắp sửa nói ra miệng lại nuốt đi. Nhưng chị ta cứ lo một ngày nào đó Chu Mẫn sẽ phát hiện chuyện của mình với Trang Chi Điệp, chị ta nơm nớp không yên và thấy sờ sợ. bây giờ Chu Mẫn biết rồi, chị ta lại cảm thấy nhẹ nhõm. Thế là chị ta đứng đó ngắm nhìn mặt trời, mặt trời nóng hầm hập, chị ta liền ngồi xổm với Chu Mẫn trong hôn mê:
- Anh ngủ đi, duyên phận của chúng ta đã hết rồi, ngủ dậy tôi sẽ nói tất cả với anh. Anh trách tôi cái gì được nhỉ? Tôi vốn không thuộc về anh mà!