Chương 45: Hiệp Nữ Trổ Tài Chôn Giặc Mãn -quần Hùng Hợp Sức Giúp Người Duy

Cập nhật 3 năm trước
Trước Sau

Trong khi đó, tại tổng hành dinh của Triệu-Huệ, Trương-Siêu-Trọng bàn:
-Một trong hai điều mà Hoàng-Thượng chỉ thị cho tôi làm là làm sao bắt được đứa con gái kia về. Tên Trần-Gia-Cách kia đã cản trở, làm lỡ việc của tôi không biết mấy, thật là tức chết đi được!
Dứt lời, Trương-Siêu-Trọng dậm chân bành bạch ra chiều tức tối lắm. Triệu-Huệ cười nói:
-Trương đại nhân bất tất phải lo lắng làm gì. Tôi đã có chủ trương. Không bao lâu, tôi sẽ bắt được trọn ổ. Tới chừng đó đại nhân cứ việc chọn lựa những gì Hoàng-Thượng cần mà đem đi thôi!
Một tên quân tâm phúc chạy vào báo tin. Triệu-Huệ tươi cười nói nhỏ hắn vài câu. Tên quân vâng lệnh đi ra ngoài. Triệu-Huệ nói:
-Chừng nào đại binh Duy đến, tôi sẽ cho thiếp-giáp quân bao vây chặt cả hai đầu mà đánh vào. Để thử xem chúng sống sót được bao nhiêu mạng?
Trương-Siêu-Trọng nói:
-Nguyên Soái thần cơ diệu toán, thật khó ai sánh bằng. Bởi vậy Hoàng-Thượng luôn luôn sủng ái và tín nhiệm. Vì vậy những lúc nào quan trọng cần xuất binh đi chinh phạt Hoàng-Thượng đều ủy nhiệm cho Nguyên-Soái cả.
Triệu-Huệ nghe khen khoái chí cười ha hả nói:
-Lần này xuất chinh gặp người Hồi quá khôn lanh quỷ quyệt nên phải mất đến nhiều tháng mới dành được phần thắng lợi sau cùng. Trận này, bản soái quyết càn quét chúng toàn bộ để sớm thâu gọn xứ Hồi này vào trong bản đồ của Đại-Thanh!
Trương-Siêu-Trọng lại tiếp tục ca ngợi:
-Kỳ công của Nguyên-Soái sẽ được Hoàng-Thượng trọng thưởng xứng đáng chuyến này. Triều thần còn có ai dám đứng ngang hàng với Nguyên-Soái nữa!
Triệu-Huệ đẹp lòng, mỉm cười mãi. Y huy động toàn bộ lực lượng, trước sau hơn 10 vạn tinh binh. Triệu-Huệ đắc ý nói:
-Quân Duy nhiều lắm cũng chỉ được một vài vạn. Chúng ta có đến gần 14 vạn rưỡi, gấp 10 lần chúng, lo gì mà không thắng. Lúc trước, chúng gây khó khăn cho ta là bởi chúng khôn khéo áp dụng chiến thuật du kích. Nhưng lần này đụng nhau thẳng mặt trên sa trường thì chúng chỉ có chết mà thôi!
Trương-Siêu-Trọng nói:
-Tôi tin chắc là chúng ta sẽ thắng. Điều này không còn gì nghi ngờ nữa cả. Cùng lắm tôi chỉ sợ người Hoàng-Thượng muốn bắt sống chết trong rừng tên lửa đạn thì tôi khó mà tránh khỏi tội!
Triệu-Huệ hỏi:
-Theo ý Trương đại nhân thì phải làm thế nào?
Trương-Siêu-Trọng đáp:
-Tôi đề nghị Nguyên-Soái cho tôi đem ít quân thiết giáp vào bắt người Hoàng-Thượng muốn đem ra an toàn, nhưng sau đó vẫn để im cả đám trong đó làm mồi nhử cho đại quân Duy đến giải cứu. Thế là mưu lược của chúng ta được lưỡng toàn, vừa bắt được người cho Hoàng-Thượng, vừa tiêu diệt được đại quân người Duy.
Triệu-Huệ nghe nói mừng rỡ tán thành ngay lập tức:

-Như thế càng hay! Trương đại nhân nhắm đem chừng 1000 quân thiết giáp có đủ dùng không?
Trương-Siêu-Trọng nghe nói cười lớn nói:
-Bọn chúng bất quá chỉ chừng chục người. Chỉ xin đại nhân cấp cho chừng một vài trăm thiếp-giáp quân là đủ. Nhiều quá chỉ thêm rộn, vướng chân vướng tay mà thôi.
Trương-Siêu-Trọng sau đó lãnh 200 thiết-giáp quân thẳng đường tấn công vào bức tường thành cát.
Từ-Thiện-Hoằng thất kinh la lớn:
-Nguy rồi! Trương-Siêu-Trọng đem bọn thiếp-giáp quân tới tấn công chúng ta!
Nghe nói đến tên Trương-Siêu-Trọng, Dư-Ngư-Đồng nghĩ đến cái chết của ân sư Mã-Chân. Lửa hận thù bốc lên cao ngất, chàng bất chấp nguy hiểm cầm ống sáo vàng phóng mình nhảy tới đánh.
Trương-Siêu-Trọng thấy Dư-Ngư-Đồng vừa ra tay đã dùng toàn những chiêu liều mạng thì không dám xem thường, cẩn thận đỡ gạt. Vừa lúc đó, Vệ-Xuân-Hoa cũng múa song câu nhảy vào trợ chiến cho Dư-Ngư-Đồng. Những đòn của song câu cũng hết sức hiểm ác, như quyết liều mạng.
Võ nghệ của Trương-Siêu-Trọng thật ra còn cao hơn cả Dư-Ngư-Đồng và Vệ-Xuân-Hoa một bậc, nhưng gặp hai người dùng lối đánh bạt mạng khiến y phải thất kinh nên do đó mà cũng trùn tay đi một chút. Hai bên đánh nhau mấy chục hiệp vẫn cầm đồng, không bên nào hơn bên nào.
Trong khi đó, quần hùng Hồng Hoa Hội xông xáo hết mình chiến đấu với đám quân thiết giáp. Vì chúng mặc giáp sắt cho nên binh khí chạm vào người chúng không ăn nhằm gì.
Văn-Thái-Lai hét lên một tiếng, chặt gẫy cây trường mâu của một tên quân rồi nhặt lấy khúc đầu của cây trường mâu phóng vào ngay cổ một tên khác chết liền tại chỗ. Quần hùng Hồng Hoa Hội trông thấy liền tỉnh ngộ, cứ nhắm vào cổ đám quân thiết kỵ mà đâm hoặc chém. Trương-Siêu-Trọng bị Dư-Ngư-Đồng và Vệ-Xuân-Hoa cầm chân nên đám thiết-giáp quân như rắn không đầu, loạn ngay hàng ngũ. Quần hùng Hồng Hoa Hội càng hăng máu mặc sức đánh giết.
Trương-Siêu-Trọng một chống với hai tuy không bại nhưng đã nhìn thấy tình thế bất lợi của bên mình. Đám thiết-giáp quân càng lúc càng thưa dần, chỉ còn lại được một nửa.
Từ-Thiện-Hoằng bỗng lên tiếng hét lớn:
-Chúng ta hãy bắt sống tên gian tặc này lại rồi tính sau!
Dứt lời, Từ-Thiện-Hoằng nhảy vào hợp sức với Vệ-Xuân-Hoa và Dư-Ngư-Đồng. Trương-Siêu-Trọng cả kinh nhảy tới nhảy lui, dùng hết tuyệt nghệ ra mà đối phó. Thấy mình đánh hai người mà chưa chiếm được thượng phong, nay lại phải đánh với ba thì tình thế chỉ có thể bi đát thêm mà thôi!
Trần-Gia-Cách bỗng từ bên trong nhảy ra, ra hiệu cho ba người Từ-Thiện-Hoằng, Vệ-Xuân-Hoa và Dư-Ngư-Đồng ngừng tay rồi nói lớn:
-Trương-Siêu-Trọng! Ta với mi tái đấu một phen để so tài cao hạ!
Thế là chẳng bên nào cần phải khách sáo. Trần-Gia-Cách dùng Bách-Hoa Thố-Quyền, Trương-Siêu-Trọng dùng Vô-Cực Huyền-Công-Quyền đấu nhau trí mạng. Mặc dù Bách-Hoa Thố-Quyền của Trần-Gia-Cách biến ảo khôn lường nhưng vẫn không đàn áp được Trương-Siêu-Trọng bởi vì chàng vẫn còn kém y vài phần hỏa hầu và kinh nghiệm giao đấu.
Trong khi đó, Từ-Thiện-Hoằng, Vệ-Xuân-Hoa, Dư-Ngư-Đồng ba người cùng với Văn-Thái-Lai, Chương-Tấn, Tâm-Nghiện, Lạc-Băng và Châu-Ỷ cùng nhau tiếp tục giết đám quân thiết-giáp tơi bời, máu nhuộm đỏ hồng trên tuyết. Không bao lâu sau, đám thiết-giáp quân chỉ còn lại vài tên.
Thấy Trần-Gia-Cách đánh mãi mà vẫn chưa hạ được Trương-Siêu-Trọng, Từ-Thiện-Hoằng hết sức nóng lòng. Chàng bỗng quát to lên một tiếng:
-Xem Thiết-Đảm của ta!
Trương-Siêu-Trọng hoảng hồn lui lại sau, cố sức bảo vệ các trọng huyệt trên mình. Ngọn Thiết-Đảm phóng lại vừa nhanh lại vừa mạnh. Trương-Siêu-Trọng không dám đưa tay ra bắt, phải lui lại sau mấy bước để tránh né.
Ngọn Thiết-Đảm cắm xuống đất cách Trương-Siêu-Trọng chỉ chừng một hai gang tay. Mới vừa hoàn hồn, Hỏa-Thủ Phán-Quan bỗng nhìn thấy một bóng người bay vụt tới nhắm ngay đỉnh đầu y đánh xuống một chưởng hết sức mạnh mẽ. Trương-Siêu-Trọng lại một phen kinh hãi liền vận công dùng chưởng đón lại. Tuy gạt được chưởng của đối phương nhưng Trương-Siêu-Trọng cũng bị loạng choạng lùi ra sau hai bước.
Trương-Siêu-Trọng kinh hãi nghĩ thầm:
-"Tên này là ai mà sao công lực mạnh thế?"
Trương-Siêu-Trọng vừa đứng vững lại được thì người kia cũng vừa đáp xuống mặt đất đứng thủ thế, miệng hét lớn:
-Gian tặc! Đã nhận ra ta là ai chưa?
Trương-Siêu-Trọng nhìn thấy người ấy oai phong lẫm liệt, mắt tròn xoe như hai luồn điện, nhìn y với một vẻ căm thù. Sau một giây, Trương-Siêu-Trọng nhận ngay ra người ấy là Bôn-Lôi-Thủ Văn-Thái-Lai.
Văn-Thái-Lai nhìn Trương-Siêu-Trọng quát lớn một tiếng như hổ gầm rồi xông tới dùng ⬘Bích lịch quyền⬙, dùng toàn những đòn bí hiểm sống chết mà đánh. Trương-Siêu-Trọng sau mấy trận giao chiến nên cũng có phần hơi mệt nên vừa đỡ gạt, vừa né tránh. Văn-Thái-Lai càng đánh càng hăng, Trương-Siêu-Trọng vừa đánh vừa hết sức thận trọng vì biết nếu xẩy tay, ắt tánh mạng chẳng còn.
Trương-Siêu-Trọng nhảy ra sau mấy bước rồi dùng thuật khinh công tẩu thoát. Văn-Thái-Lai và mọi người định đuổi theo Trương-Siêu-Trọng bỗng nghe từ đâu có tiếng vó ngựa dồn dập cùng những tiếng reo hò vang lừng khắp nơi.
Một bóng người cao lớn cỡi một con chiến mã từ xa tiến đến, miệng gọi lớn:
-Trần tổng đà-chủ! Kha-Tư-Lệ! Hai người ở đâu?
Hương Hương công chúa bỗng reo lên:
-Gia gia! Chúng con ở đây này!
Quần hùng Hồng Hoa Hội nhìn ra là Mộc-Trác-Luân. Ai nấy đều mừng rỡ, biết cứu binh đã tới.
Thì ra Tiêu-Thanh-Đồng thần cơ diệu toán, ⬘đóng kịch⬙ với Mộc-Trác-Luân, cố ý cho Hoa-Nhĩ-Đạt nghe ⬘mưu kế giả⬙ của nàng. Nàng lại dặn bọn quân canh cố ý bày trò đen đỏ, để lơ là, cho Hoa-Nhĩ-Đạt dễ bề thoát thân.
Quả nhiên, mọi chuyện xảy ra đều theo như dự đoán của Tiêu-Thanh-Đồng. Hoa-Nhĩ-Đạt cho là mình tài giỏi khôn lanh về báo tin cho Triệu-Huệ biết. Triệu-Huệ hăm hở huy động toàn lực đem đại binh đi đón đường, mong tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân Duy.
Sau khi Trương-Siêu-Trọng đem quân đi bắt người, Triệu-Huệ được tin quân thám thính về báo quân Duy đang trên đường kéo tới liền kéo đại binh đi thực hiện kế hoạch, chỉ để lại một số quân rất ít đóng tại bản doanh.
Chẳng ngờ vì không rõ tình hình địa thế tại xứ Hồi, Triệu-Huệ vô tình đem đại quân hãm vào trong đầm lầy Qua-Bích. Cánh quân xông vào chiếm thành Diệp-Nhĩ-Khương thì mới hay chỉ là một cái thành trống rỗng, bên trong không một bóng người.
Đến lúc Triệu-Huệ tỉnh ngộ, biết mình mắc mưu thì đã quá muộn. Toàn bộ thiết-giáp quân bị chôn thân tại đầm lầy Đại-Nê-Trác. Đại quân vào trong thành Diệp-Nhĩ-Khương bị đội hỏa công quân Duy đốt sạch. Đại quân tại Hắc-Thủy-Hà bị phục binh của quân Duy mai phục truy kích, phần bị chết vì tên, phần thì đạp lên nhau ngã cả xuống sông mà chết.
Tiêu-Thanh-Đồng chỉ huy quân Duy toàn thắng cả ba mặt, giết chết non 14 vạn quân Thanh. Triệu-Huệ chỉ còn lại một số tàn quân tâm phúc theo phò, chạy về hướng Nam để nhập bọn với đám quân còn lại đang đóng tại đó, chỉ vào độ trên dưới vài ngàn. Lúc đó, Tiêu-Thanh-Đồng mới đem đại quân rượt theo, thứ nhất để diệt nốt đám tàn quân của Triệu-Huệ, và thứ hai là để cứu Hương Hương công chúa và đám quần hùng Hồng Hoa Hội...

Trương-Siêu-Trọng về lại tổng hành dinh Triệu-Huệ, thấy Chinh-Tây nguyên-soái dẫn đám tàn quân trở về, mặt mày hớt ha hớt hãi, mất cả giày mão, trông hết sức thảm thương.
Cả hai mặt trước sau, quân Duy kéo đến vây chặt Triệu-Huệ cùng đám tàn quân vào giữa. Trương-Siêu-Trọng cả kinh ra lệnh cho toàn bộ binh sĩ đang đóng tại tổng hành dinh phải tức tốc lên đường, cùng phò Triệu-Huệ mà chạy.
Tuyết rơi càng lúc càng nhiều. Ngựa không thể nào còn đi được nữa, mà truy binh mỗi lúc một đến gần. Trương-Siêu-Trọng nói:
-Nguyên-soái! Chúng ta mau bỏ ngựa mà tiến lên núi!
Trương-Siêu-Trọng một tay nắm Trương-Siêu-Trọng, một tay vận đề khí tung mình lên núi. Hoa-Nhĩ-Đạt cũng phi thân theo sau mà bảo vệ.
Tiêu-Thanh-Đồng đứng bên kia đỉnh núi trông thấy liền gọi lớn:
-Đừng cho bọn gian tặc tẩu thoát!
Lập tức, một đội quân liền tức tốc rượt theo. Trương-Siêu-Trọng sợ hãi phải dùng khinh công tuyệt kỹ, vận toàn lực mang Triệu-Huệ chạy như bay.
Thấy không rượt theo được Trương-Siêu-Trọng, đoàn quân Duy tập trung lại bắt sống đám tướng sĩ Thanh-binh còn lại, trong đó có cả Hoa-Nhĩ-Đạt.
Thấy đã toàn thắng và cứu được toàn bộ người bên mình, Tiêu-Thanh-Đồng bèn ra lệnh thâu quân về lại tổng hành dinh của Mộc-Trác-Luân.
Bấy giờ, các tướng sĩ Duy mới lần lượt giải các tù binh của quân Thanh đến. Trong số đó có bốn anh em họ Hốt-Luân.
Trần-Gia-Cách bước tới cởi trói cho cả bốn người rồi hỏi:
-Từ này về sau, bốn anh em có chịu theo về với chúng tôi không?
Cả bốn anh em Hốt-Luân đều đồng lòng chịu hàng thuận nói:
-Kể từ nay chúng tôi là người của công tử. Dù công tử có sai chúng tôi lên rừng xuống biển hay đâm đầu vào khói lửa, anh em chúng tôi cũng xin vui vẻ mà vâng lời.
Trần-Gia-Cách đẹp lòng, đề nghị với Tiêu-Thanh-Đồng cho người dọn cơm cho bốn người ăn và ban thưởng rất hậu. Chàng nói với Thúy-Vũ Hoàng-Sam rằng:
-Chỉ vì một chút tham vọng của Càn-Long mà hơn 10 vạn quân Thanh đã bỏ mình tại sa mạc. Cô nương thật đã lập nên một chiến công lừng lẫy khó ai sánh kịp.
Tiêu-Thanh-Đồng nghe Trần-Gia-Cách khen mình thì chỉ mỉm cười mà không đáp. Trần-Gia-Cách lại bàn với tất cả đuổi theo lục soát tìm kiếm, quyết bắt cho được Trương-Siêu-Trọng lại.
Chiều đến, Mộc-Trác-Luân và Tiêu-A-Y đem theo 2000 quân tới tham gia vào công tác.
Bấy giờ viên đại đội trưởng đội Hồng-Kỳ thứ ba lãnh trách nhiệm truy nã tàn quân của Triệu-Huệ trở về báo cáo rằng có phát hiện được trong vùng Qua-Bích có khoảng 5000 quân Thanh do Phó nguyên-soái Phú-Đức kéo tới tiếp viện cho Triệu-Huệ.
Tiêu-Thanh-Đồng liền ra lệnh cho 10 đại đội quân Duy hợp lực với hai đội Hồng-Kỳ kéo đến nghênh chiến.
Nguyên Trương-Siêu-Trọng hộ tống Triệu-Huệ chạy trốn thì thời may giữa đường gặp Phó nguyên-soái Phú-Đức đem quân đến tiếp viện. Nghe kể lại thình thế, Phú-Đức kinh hãi, bàn với Triệu-Huệ nên kéo quân lui về hướng Đông để bàn luận lại kế hoạch phản công. Nhưng chưa kịp rút quân thì Tiêu-Thanh-Đồng đã kéo đại quân đến giao chiến.
Triệu-Huệ liền ra lệnh cho 5000 quân kết lại thành một vòng tròn cố thủ, dùng cung nỏ mà bắn.
Thấy tên bắn mãi không ngừng, đại quân của Tiêu-Thanh-Đồng mấy lần định xung phong nhưng thấy không xuể đành phải lui về.
Tiêu-Thanh-Đồng đi quan sát qua mặt trận một vòng rồi trở về bàn:
-Bọn chúng đắp thành lũy cố thủ. Điệu này coi bộ chúng quyết tử chứ không chịu hàng đâu. Nếu ta tấn công ắt thắng được, nhưng phải thiệt binh không ít. Quân ta đông, quân chúng ít, chi bằng cứ vây chúng chặt lại. Cuối cùng khi hết lương, chúng phải đầu hàng mà thôi.
Trần-Gia-Cách gật đầu tán thành:
-Kế ấy rất hay!
Tiêu-Thanh-Đồng huy động 2 vạn Duy-binh đào hào sâu chung quanh, đắp mô cao, bao vây bốn phía hết sức chặt chẽ, quyết không để cho quân Thanh bên trong thoát ra.
Quần hùng Hồng Hoa Hội cũng phụ giúp một tay, ai làm được gì thì làm, không chút đắn đo suy nghĩ.
Vệ-Xuân-Hoa nói:
-Càn-Long đã hứa với chúng ta sẽ ra lệnh cho Triệu-Huệ sao giờ còn sai Phú-Đức đem viện binh đến nghĩa là sao?
Văn-Thái-Lai cười giọng mũi nói:
-Lời hứa của một tên Hoàng-Đế có đáng gì để cho ai phải tin!
Mọi người bàn qua bàn lại để giết thì giờ. Bỗng Dư-Ngư-Đồng lên tiếng:
-Tiêu-Thanh-Đồng cô nương là người Duy mà sao lại giỏi Tôn-Ngô (#2) binh pháp như thế chứ?
Chương-Tấn ngơ ngác hỏi:
-Giỏi Tôn-Ngô binh pháp là thế nào?
Dư-Ngư-Đồng liền giải thích:
-Tôn-Tử có nói rằng: ⬘Ai giữ chiến địa trước mà đợi địch đến là thắng. Ai giữ chiến địa sau mà đánh mãi là mệt⬙. Vì vậy kẻ cầm quân giỏi thì phải luôn luôn đợi người chứ không để người đợi mình. Tiêu-Thanh-Đồng phục binh sẵn đợi quân Thanh kéo đến, thì có khác nào ⬘mình đợi người⬙ và ⬘khỏe đợi mệt⬙ đó sao? Ngoài ra Tôn-Tử còn nói: ⬘Ta thấy địch mà dịch chẳng thấy ta tức là ta chăm chú vào địch mà địch lơ là ta⬙. Ta chăm chú ắt chỉ để tâm đánh ngay vào địch, mà địch lơ là ắt sẽ phải phân tán lực lượng, không biết đâu mà đánh. Đó là lấy 10 đánh 1, tức là ta nhiều, mà địch ít. Trong cuộc chiến vừa qua, Tiêu-Thanh-Đồng tập trung được lực lượng quân Duy, lại khiến cho quân Thanh phải chia 5 xẻ 7, cho nên quân Duy tuy ít mà nhiều, còn quân Thanh tuy nhiều mà lại hóa ra ít. Do đó Tiêu-Thanh-Đồng phải thắng là lẽ đương nhiên. Còn hiện tại, quân Duy đông hơn, lại chỉ cần chú ý vào trọng tâm cố điểm của quân Thanh, mà quân Thanh phải đề phòng quân Duy tại cả 4 phương 8 hướng. Như thế chẳng cần phải nói, ta cũng có thể biết trước kết quả thế nào rồi. Đó chẳng phải là Tôn-Ngô binh pháp hay sao?

Quần hùng gật đầu, hết lời ca ngợi kiến thức của Dư-Ngư-Đồng, lại càng bội phục tài cầm quân của Tiêu-Thanh-Đồng.
Dư-Ngư-Đồng lại nói tiếp:
-Tiêu-Thanh-Đồng cô nương trước tiên đem những quân già yếu của đội Hắc-Kỳ ra dụ địch. Ấy là ⬘Giỏi mà đưa ra cái không hay, dùng mà đưa ra cái không dùng⬙ như Tôn-Vũ đã dạy hay sao? Tiêu-Thanh-Đồng côn nương còn dùng đội Bạch-Kỳ dẫn tinh binh của đội Hoàng-Kỳ của Triệu-Huệ vào sâu trong sa mạc, còn quân chủ lực của mình dùng để tập kích địch quân tại đầm lầy Đại-Nê-Trác. Đó chẳng phải là ⬘gần mà đưa đi xa, xa mà đưa lại gần⬙ hay sao?
Trần-Gia-Cách gật đầu nói:
-Tiêu-Thanh-Đồng đưa ra vài trăm chiến sĩ già làm mồi ngon để giết hàng bao nhiêu vạn quân địch ấy là ⬘lấy lợi mà dụ⬙; bỏ thành Diệp-Nhĩ-Khương, ấy là ⬘tránh cái mạnh⬙; chặt đứt câu cầu trên sông Hắc-Thủy, ấy là ⬘thừa rối mà thắng⬙.
Lạc-Băng nói:
-Đừng quên Tiêu-Thanh-Đồng là đồ đệ của Thiên-Sơn Song-Ưng. Hai vợ chồng này ngoài võ nghệ siêu quần còn giỏi cả về binh pháp nữa. Vì vậy, chuyện Tiêu-Thanh-Đồng giỏi Tôn-Ngô binh pháp có gì là lạ đâu!
Quần hùng Hồng-Hoa-Hội đang say sưa nói chuyện gẫu, bỗng Từ-Thiện-Hoằng quay qua nói với Lạc-Băng:
-Tứ tẩu! Tôi thấy gương mặt của Tiêu-Thanh-Đồng cô nương sao có vẻ như xanh xao, lạc thần. Thật là hết sức lạ lùng!
Lạc-Băng khẽ liếc nhìn Tiêu-Thanh-Đồng. Nàng phải công nhận rằng Từ-Thiện-Hoằng nói đúng. Nét mặt của Tiêu-Thanh-Đồng như bơ phờ, xanh xao, đôi mắt như ngẩn ngơ, lạc thần.
Lạc-Băng vội vã chạy đến gần định hỏi thăm thì bất thình lình, Tiêu-Thanh-Đồng ngã sấp vào người của thập-nhất đương-gia, miệng hộc ra một búng máu tươi đỏ hồng.
Lạc-Băng kinh hãi, đỡ Tiêu-Thanh-Đồng dậy hỏi:
-Em làm sao thế?
Tiêu-Thanh-Đồng không đáp, cố sức chặn giữ hơi lại không cho trào ra. Nhưng hình như nàng không chịu nổi, lại hộc ra tiếp một búng máu tươi nữa.
Mọi người trông thấy vậy thì đều hoảng hốt cùng nhau chạy tới xem sao. Hương Hương công chúa ứa lệ nói:
-Chị ơi! Đừng thổ huyết nữa nghe chị!
Lạc-Băng đích thân bế Tieu-Thanh-Đồng vào bên trong, đạt lên giường êm, lấy chăn đắp cho cẩn thận.
Mộc-Trác-Luân mười phần lo sợ. Ông biết con gái mình đã tận tâm tận lực đem hết sức mình ra chỉ huy mặt trận nên có phần kiệt sức. Một phần, ông ta đoán là có lẽ nàng nhìn thấy Trần-Gia-Cách và Hương Hương công chúa âu yếm bên nhau nên sinh ra đau khổ. Từ cái mệt thể xác cộng thêm cái đau khổ tinh thần cùng dày vò con gái ông một lược, do đó mà sinh ra bệnh tình như vậy. Mộc-Trác-Luân định an ủi nàng mấy câu nhưng thấy thấy không phải là lúc nên đành thở dài, lủi thủi đi ra ngoài.
Một đêm lặng lẽ trôi qua. Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời còn chưa mọc, Mộc-Trác-Luân đã vào hỏi thăm bệnh tình Tiêu-Thanh-Đồng ra sao. Nhưng vừa vén màn lên thì thấy bên trong im lìm.
Một người vệ sĩ bước tới thưa:
-Bẩm Tộc-trưởng, hồi canh một Tiêu-Thanh-Đồng cô nương đã ra đi, có để lại một bức thư nhờ tôi giao lại cho Tộc-trưởng.
Mộc-Trác-Luân nghe nói thất kinh, cầm lấy thư, tay run run mở ra đọc.
Thưa cha,
Việc lớn đã yên. Chỉ cần bao vây cho kỹ và chặt chẽ là diệt được Thanh-binh.
Con, Tiêu-Thanh-Đồng kính thư
Mộc-Trác-Luân đứng lặng thinh chết điếng hồn. Hồi lâu ông mới lên tiếng hỏi người vệ sĩ.
-Con gái ta đi ngã nào?
Tên vệ sĩ lấy tay chỉ về hướng Đông-Bắc. Mộc-Trác-Luân chẳng nói chẳng rằng leo lên ngựa phóng đi như bay. Nhưng đi suốt mấy tiếng đồng hồ, ông ta chẳng thấy được gì ngoài một rừng cát mênh mông. Mộc-Trác-Luân nghi rằng Tiêu-Thanh-Đồng đã ngầm đổi phương hướng không cho ai biết nên đành quay ngựa trờ về.
Mọi người ai nấy đều lo lắng vô cùng. Bệnh tình của Tiêu-Thanh-Đồng chắc chắn không phải nhẹ. Nếu nàng cứ tiếp tục dầm sương dãi nắng như thế thì thật là nguy hiểm.
Mộc-Trác-Luân lập tức truyền lệnh cho 4 tiểu đội khinh binh kỵ-mã phải chia nhau 4 hướng đi tìm Tiêu-Thanh-Đồng về cho bằng được...
Chú thích:
(1-) Sử sách nhà Thanh có ghi lại rằng: "Năm Càn-Long thứ 23, vào trung tuần tháng 10, đại quân thanh triều do Triệu-Huệ thống lãnh bị người Duy phá vỡ dưới chân núi Kỳ-Bàn, bên sông Hắc-Thủy".
(2-) Tôn-Ngô binh pháp: do Tôn-Vũ (Tôn-Tử) của nước Ngô thời vua Hạp-Lư thời Chiến-Quốc (xim xem truyện Đông-Châu Liệt-Quốc) nghiên cứu ra. Có thể nói Tôn-Vũ là ông tổ của các chiến lược về binh pháp, gây ảnh hưởng rất nhiều cho những đời sau, đến cả hiện đại.


Trước Sau
Copyright © Truyện Truyện 2024. Liên hệ: [email protected]